Phân chia hành chính Nhà_Minh

Phân chia hành chính Trung Quốc thời cực thịnh.

Triều Minh về đại thể kế thừa phân chia hành chính của triều Nguyên, khu hành chính địa phương cấp một đặt 'thừa tuyên bố chính ty' (bố chính ty), 'đề hình án sát sứ ty' (án sát ty), và 'đô chỉ huy sứ ty' (đô ty), phân biệt quản lý hành chính, tư pháp và quân sự, phòng ngừa tập trung quyền lực địa phương[53]. 'Bố chính ty' được gọi phổ biến là tỉnh, bên dưới lần lượt phân thành đạo, phủ, và huyện. Đạo là đơn vị hành chính đặt giữa tỉnh và phủ huyện, phân thành hai loại 'phân thủ đạo' và 'phân tuần đạo'. "Phủ" nguyên là lộ của triều Nguyên, lấy thuế lương ít hay nhiều để phân tiêu chuẩn, lương từ 20 vạn thạch trở lên là 'thượng phủ', từ 10 đến dưới 20 vạn thạch là 'trung phủ', dưới 10 vạn thạch là 'hạ phủ'. Phân định quân sự có hai chế độ là vệ, sở. Thời Đại Tông, Anh Tông đặt tuần phủ quản lý hành chính và tổng đốc quản lý quân sự do trung ương phái đi, địa vị đứng đầu tại bố chính ty và đô ty. Nhằm hạn chế quyền lực của tuần phủ và tổng đốc, còn đặt chức 'đô ngự sử' để cân bằng. Triều Minh cuối cùng có 140 phủ, 193 châu, 1138 huyện, 493 vệ, 359 sở[53].

Thừa tuyên bố chính sứ ty

Thừa tuyên bố chính sứ ty (bố chính ty) quản lý hành chính địa phương, địa vị tương đương với "hành trung thư tỉnh" vào thời Nguyên. Minh Thái Tổ vốn duy trì tên gọi "hành trung thư tỉnh", đến năm 1376 thì đổi thành "bố chính sứ ty", thường gọi là hành tỉnh. Đầu thời Minh đặt 13 bố chính ty cùng kinh sư (địa vị tương đương bố chính ty, quản lý Giang Tô và An Huy hiện nay).

Năm 1380, sau án Hồ Duy Dung triều Minh phế bỏ "trung thư tỉnh", kinh sư và bố chính ty trực thuộc Lục bộ. Thời kỳ Minh Thành Tổ, từ năm 1407 đến năm 1428 đặt Giao Chỉ bố chính ty.

Năm 1413, đặt Quý Châu bố chính ty.

Do thiên đô Bắc Kinh, vào năm 1403 đưa Bắc Bình bố chính ty thăng làm "hành tại", năm 1421 sau khi thiên đô Bắc Kinh gọi là kinh sư (Bắc Trực Lệ), kinh sư cũ đổi thành Nam Kinh (Nam Trực Lệ), hình thành phân chia hành chính "lưỡng kinh thập tam tỉnh".

Lưỡng kinh là Bắc Kinh và Nam Kinh, gọi chính thức là Thuận Thiên phủ và Ứng Thiên phủ, chúng cùng với các châu phủ lân cận lần lượt gọi chung là Bắc Trực Lệ và Nam Trực Lệ, không đặt bố chính ty, 13 bố chính ty gồm:

1. Thiểm Tây

2. Sơn Tây

3. Sơn Đông

4. Hà Nam

5. Chiết Giang

6. Giang Tây

7. Hồ Quảng

8. Tứ Xuyên

9. Quảng Đông

10. Phúc Kiến

11. Quảng Tây

12. Quý Châu

13. Vân Nam

Phân chia hành chính của triều Minh về đại thể phù hợp với địa thế núi sông, song có một số điểm bất hợp lý, như Nam Trực Lệ nằm vắt qua cả ba khu vực Hoài Bắc, Hoài Nam, Giang Nam, khu vực Tô – Tùng về ngôn ngữ – văn hóa thuộc khu Thái Hồ Ngô – Việt song được quy nhập Nam Trực Lệ thay vì Chiết Giang; bồn địa Hán Trung nằm tại phía nam Tần Lĩnh được quy nhập Thiểm Tây thay vì Tứ Xuyên, Hà Nam bao gồm một phần phía bắc Hoàng Hà. Quý Châu có hình giống loài bướm khi khoảng giữa hẹp song hai bên thì rộng[53].

Đô chỉ huy sứ ty

Đô chỉ huy sứ ty (đô ty) quản lý quân sự địa phương, Minh Thái Tổ sử dụng chế độ vệ sở, vào năm 1370 tại các tỉnh đặt 1 "đô vệ", đến năm 1375 mới đặt đô ty quản lý. Đô ty vốn lệ thuộc đại đô đốc phủ, sau án Hồ Duy Dung triều đình chia đại đô đốc phủ làm 5, phân quyền quản lý các vệ sở. Triều Minh tổng cộng đặt:

– 16 đô ty.

– 5 hành đô ty.

– 2 lưu thủ ty.

Trong đó, có:

– 13 đô ty trùng tên với bố chính ty.

– 3 đô ty khác là Vạn Toàn, Đại Ninh và Liêu Đông.

– 5 hành đô ty là Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Hồ Quảng, Phúc Kiến, Sơn Tây.

– 2 lưu thủ ty là Trung Đô lưu thủ ty (nay là Phượng Dương) đặt vào thời Hồng Vũ, Hưng Đô lưu thủ ty đặt tại Thừa Thiên phủ (nay là Chung Tường, Hồ Bắc) thời Gia Tĩnh[54].

Trong các đô ty có tính chất ki mi, nổi danh nhất là Nô Nhi Can đô ty quản lý lưu vực Hắc Long Giang, Tùng Hoa Giang và đảo Khố Hiệt; tại khu vực Thanh – Tạng chính giáo hợp nhất đặt hai đô ty Ô Tư Tạng, Đóa Cam, ngoài ra còn đặt tại khu vực giao giới Cam Túc và Thanh Hải hiện nay các vệ sở như Cáp Mật, Khúc Tiên. Những thể chế này có tính chất không giống như đô ty, hành đô ty tại nội địa[55].

Tuần phủ và tổng đốc

Tuần phủ quản lý dân chính, nguyên bản là vào thời Minh Tuyên Tông phái đại thần lục bộ, đô sát viện lấy đó làm danh nghĩa để đốc phủ hành chính địa phương, đến thời Minh Đại Tông chính thức hình thành khu hành chinh cấp một. Thời Anh Tông đặt chức tổng đốc, phân làm 2 loại là ngắn hạn và dài hạn, quản lý quân sự của một vài bố chính ty. Tuy nhiên, quan hệ phụ thuộc giữa tuần phủ và bố chính ty là không đồng nhất, có tuần phủ chỉ gồm 1 2 bố chính ty, như Sơn Tây – Hà Nam tuần phủ thời Chính Thống; lại có trường hợp trong địa phận một bố chính ty có vài tuần phủ, như Bắc Trực Lệ có Thuận Thiên tuần phủ, Bảo Định tuần phủ, Tuyên Phủ tuần phủ; Nam Trực Lệ có 2 tuần phủ: Ứng Thiên tuần phủ, Thuận Dương tuần phủ. Cũng có trường hợp tuần phủ quản lý khu vực giao giới giữa các bố chính ty, như Nam Cám Thiều Đinh tuần phủ nằm trên 3 bố chính ty là Giang Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến[53].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà_Minh http://www.ccnt.com.cn/china/history/history/ming/... http://www.china.com.cn/aboutchina/zhuanti/lddw/20... http://hxd.wenming.cn/kyjjcg/2009-08/12/content_39... http://china.chinaa2z.com/china/html/history%20and... http://www.chinaonlinemuseum.com/painting-masters.... http://ctdsb.cnhubei.com/html/ncxb/20090307/ncxb64... http://news.ifeng.com/history/1/jishi/200812/1225_... http://cul.qq.com/a/20150201/012239.htm http://www.saohua.com/shuku/History/06%E3%80%8A%E6... http://www.mnsu.edu/emuseum/prehistory/china/later...